PDA

View Full Version : Học tập - Việc làm



rain.ar
07-Mar-2009, 04:11 PM
Đây là trích trong chương 10 của cuốn "Dare to Fail" tác giả Billi P.S. Lim, đọc hay lém, nhiều suy ngẫm

Ngày nay, xã hội loài người dường như bận tâm với việc kiếm việc làm. Nhiều chính phủ trên thế giới dành nhiều ưu tiên cho việc tạo ra công ăn việc làm. Nhiều chính phủ thậm chí đã bị lật đổ vì không thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân! Một số chính phủ đi đến quyết định trợ cấp cho người không có việc làm. Ở trường, sinh viên học sinh bị gây sức ép phải đạt điểm cao để có thể kiếm được việc làm. Các bậc phụ huynh gửi con mình đến lớp học thêm để chúng học giỏi hơn nhằm kiếm được một việc làm tốt hơn. Một số cha mẹ đã kể với tôi rằng họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cho con đi học thêm; nếu không, con họ sẽ không thể theo kịp những học sinh khác vì tất cả đều đổ xô đi học thêm.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỉ lệ trẻ em tự sát trên thế giới đang tăng, đặc biệt là ở những nước đang có tình hình nói trên. Xu hướng chung “tiến xa” đến mức người nào không có việc làm hoặc tạm thời bị thất nghiệp đều bị khinh miệt. Một số phụ huynh còn gây áp lực lên đứa con còn quanh quẩn trong nhà vì không tìm được việc làm, và cô gái hay chàng trai tội nghiệp ấy buộc phải chấp nhận bất cứ việc gì họ có thể vớ được.

Mục đích của giáo dục là gì? Với tôi, giáo dục là dạy một người làm thế nào để phát huy điểm nổi bật nhất và phát triển tiềm năng lớn nhất của mình.

Nhưng hình như mục đích hiện nay chỉ để xin được việc làm, tìm được một việc làm. VIỆC LÀM! VIỆC LÀM! VIỆC LÀM! Bất kể đó là công việc gì. Bất kể người đó có thích công việc đó hay không, miễn là có được việc làm.

Điều này dẫn đến mặt trái của vấn đề, đó là khi một người có được việc làm rồi, anh ta lại sợ mất việc. Sợ đến nỗi, theo như tôi biết, nhiều bạn bè tôi cũng như nhiều người bị sa lầy trong công việc, đã mất tác dụng giống như “nồi tròn úp nhầm vung méo”.
Nhiều người lại muốn thoát ra và tự mình bắt đầu một việc gì đó nhưng lại sợ đánh mất công việc “dễ chịu” hiện thời. Do đó, cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp tục.

Ai trong chúng ta cũng biết tất cả tinh hoa của xã hội đều được tìm thấy ở các trường đại học lớn nhưng mọi việc diễn biến như thế nào mà đại đa số bộ óc xuất sắc của chúng ta phục vụ cho những người thậm chí còn chưa bao giờ thấy cánh cửa đại học? Khi phân tích điều này theo cách bạn làm, bạn sẽ nhận ra rằng hòan toàn không có gì đáng ngạc nhiên cả. Tất cả trường học của chúng ta đều thử thách sinh viên, làm cho họ học tốt, đạt điểm cao để có được công việc phù hợp với chuyên môn, thực chất là để phục vụ mọi người. Cách đây không lâu, tình cờ tôi gặp lại một số bạn bè đã lập gia đình. Vì mải mê theo đuổi bằng cấp đại học, họ đã cho con ra nước ngoài học đại học. Họ phải chi khoảng 1.600USD một tháng cho mỗi đứa con trong vòng 3 đến 4 năm! Tính đến lúc đứa con lấy được bằng tốt nghiệp, số tiền cũng khoảng 80.000USD. Điều làm tôi rùng mình là lúc tốt nghiệp (cuối cùng chúng cũng tốt nghiệp), chúng lại muốn học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ! Có nghĩa là lại thêm 3 đến 4 năm nữa! Cho đến lúc đứa con tốt nghiệp, cha mẹ phải tiêu tốn cả trăm nghìn USD. Vì vậy, tôi chẳng ngạc nhiên khi thấy vài năm gần đây bạn bè tôi mau già hơn.

Một việc nữa cũng rất thú vị là khi trở về nước làm việc, vị cử nhân này chỉ nhận được khoảng 800USD mỗi tháng! Tôi không biết phải mất bao nhiêu năm làm việc đứa con mới có thể trả lại khoản tiền mà cha mẹ đã phải bỏ ra cho việc học của nó. Tôi cho rằng những đứa con nên bằng lòng với việc cha mẹ chu cấp cho ăn học đến bằng cấp tương xứng. (Nếu học muốn học cao hơn, họ phải tự trang trải chi phí)

Thế nhưng nếu “tinh hoa xã hội” chúng ta đều tìm việc làm, thì ai sẽ là người tạo ra việc làm đây? Câu trả lời rất rõ ràng. Những con người nghèo túng của xã hội chúng ta, những con người phải bỏ học nửa chừng, những người không có cơ hội vào đại học, không có quyền chọn lựa. Họ “buộc” phải trở thành những nhà quản lý doanh nghiệp, nhà tư bản công nghiệp, những người tạo ra việc làm. Họ không cạnh tranh nổi trên thị trường lao động, nơi mà tất cả mọi người đều phải là những người chuyên nghiệp. Họ không thể tự tìm cho mình một việc làm tốt!

Có lẽ đây là lí do tại sao ta nghe thấy nhiều câu chuyện thành công bất ngờ của một người bỏ học nửa chừng trở thành một nhà tư bản công nghiệp hàng đầu. Làm thế nào để một chàng trai nông dân lại dựng nên cả một đế chế? Tại sao những người tốt nghiệp đại học không thể làm được điều đó? Như ta đã nói trước đây ở phần đầu, họ có một việc làm “cao quý”, thỏai mái nên sợ mất nó. Họ cũng sợ mất “sự an tòan” và sợ rằng mình không thể tìm được công việc tương tự với bổng lộc tương tự.

Các nghiên cứu đã chứng minh có rất ít tương quan giữa thành công của một đứa trẻ trong các kì thi với thành công của nó khi đã trưởng thành.
Trong một kì thi, bất kể kiến thức của học sinh như thế nào, nếu nó không ghi lại được câu trả lời trên giấy trong một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ “trượt”.

Có lẽ người ta nghĩ rằng tôi đang cố gắng kéo người ta ra khỏi công việc. Câu trả lời không phải thế. Nếu bạn hạnh phúc, cảm thấy thích thú và thỏa mãn với công việc của mình, bằng mọi giá, bạn phải tiếp tục công việc đó. Nhưng nếu bạn càu nhàu vì không thấy thỏa mãn, thì không ai ngăn cản bạn bỏ đi và vươn tới các vì sao. Vậy cớ sao bạn không vươn tới những vì sao? Có thể bạn không hái đuợc chúng, nhưng ít ra bạn cũng không kết thúc với một nắm bùn đất.

Điều quan trọng đối với bạn là phải tống khứ được nỗi sợ hãi không có việc làm. Hãy phân tích lời phát biểu này và bạn sẽ tìm thấy một chân lý nào đó:

“Không có việc gì để làm cũng chính là một việc làm”

Thật ra, người ta khó có thể không làm gì, đặc biệt là trong một xã hội luôi đòi hỏi chúng ta phải làm “một cái gì đó”. Nhưng hãy thử nghĩ xem. Chẳng phải “chẳng có gì hết” cũng là một “cái gì đó” đấy ư?

Trên thực tế, từ “công việc” chỉ mới được phát minh trong cuộc cách mạng công nghiệp. Trước đó, chỉ có từ “các hoạt động” và “các nhiệm vụ”. Những người không có “các nhiệm vụ” trở thành những kẻ mơ mộng vẩn vơ và những nhà thám hiểm. Điều này chẳng phải nghe quen tai lắm sao?

Đừng quá lo lắng nếu bạn không làm được việc gì hay đang thất nghiệp. Đó là khỏang thời gian rất thích hợp để đọc, lắng nghe, quan sát, bộc lộ chính mình, phân tích lại bản thân và những mục tiêu của mình. Hãy xem đó là khoảng thời gian chưa có việc làm chứ không phải là không có việc làm. Bạn sẽ ngạc nhiên vì các cơ hội sẽ xuất hiện trên con đường của bạn trong suốt khoảng thời gian đó nếu bạn biết mở to mắt nhìn và biết lắng tai nghe! Hãy thoát ra khỏi cuộc tranh giành quyết liệt, vất vả và biết đứng nhìn từ bên ngoài. Bất cứ lúc nào có người hỏi tôi đang làm gì, tôi sẽ nói với họ tôi đang không có việc làm. Không việc làm, không tiền bạc, KHÔNG CÓ NHỮNG LO LẮNG! Hãy thử làm điều đó, bạn sẽ cảm nhận niềm vui to lớn khi nhận biết phản ứng của người khác. Chắc chắn sau đó bạn chỉ có thể luôn cho rằng mình đang giải khuây và đang nghỉ ngơi, và hãy quan sát tất cả những cái nhìn đố kỵ! Điều này có được là vì ở nơi sâu thẳm bên trong vô thức, chúng ta nhận biết rằng cuộc sống không chỉ có là LÀM VIỆC, LÀM VIỆC và LÀM VIỆC cho đến ngày ta chết. Ta cần tận hưởng cuộc sống bằng cách sống với tiềm năng sâu xa nhất của mình, dù ở trong nghề nghiệp hay trong việc tạo ra một “đế chế”.