Cả nước lao đao vì thiếu điện
Hà Nội và TP.HCM được ưu tiên cung cấp điện. Điệp khúc đến mùa khô là thiếu điện đang tiếp diễn, lần này nghiêm trọng hơn các năm trước.
Ngay từ những tháng đầu mùa khô, nhiều địa phương đã bị cúp điện triền miên khiến sinh hoạt của người dân và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp bị đảo lộn.
Ưu tiên nhưng vẫn tiết giảm tối đa
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, từ ngày 21 đến 27-4, hơn 600 khu vực của TP.HCM sẽ bị cắt điện để bảo trì, nâng cấp lưới điện nhằm bảo đảm hệ thống điện hoạt động ổn định, chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới. Các khu vực bị cúp điện nhiều nhất là các quận 2, 9, Bình Chánh, Phú Nhuận, Nhà Bè, Gò Vấp, Bình Thạnh... Tổng Công ty Điện lực TP.HCM khẳng định TP chưa phải cắt điện luân phiên dù đang thiếu 1,1 triệu kWh/ngày so với nhu cầu thực tế (được phân bổ 43,5 triệu kWh/ngày, thực tế tiêu thụ 44,6 triệu kWh/ngày). Để bù đắp sản lượng thiếu hụt, tổng công ty đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện, đồng thời vận động các doanh nghiệp chuẩn bị máy phát điện để chủ động hơn trong sản xuất.
Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, hiện miền Bắc được phân bổ 48 triệu kWh/ngày, thiếu 5-8 triệu kWh so với nhu cầu. Do đó, những tỉnh miền Bắc có nhiều khu công nghiệp và xuất khẩu như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… sẽ được ưu tiên cung cấp điện, các tỉnh còn lại sẽ chia đều sản lượng điện và đó là lý do khu vực nông thôn bị cắt điện rất nhiều.
Các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội sử dụng điện tiết kiệm sẽ không phải chịu cảnh cúp điện liên miên như thế này vào mùa khô. Ảnh: HTDĐến nay, Hà Nội chưa phải tiết giảm điện nhưng do phụ tải đang tăng mạnh nên khả năng đột ngột bị mất điện rất cao. Hiện mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 23,5 triệu kWh/ngày nhưng dự báo trong những tháng mùa nóng sắp tới, phụ tải sẽ tăng đột biến, có thể lên đến 38 triệu kWh. Vừa qua, một loạt giải pháp tiết kiệm điện đã được Hà Nội thực hiện như cắt giảm đèn quảng cáo, tắt điện sau 23 giờ ở các tượng đài, giảm 30% điện chiếu sáng đô thị...
Địa phương khác: Điện cúp liên miên
Tại Thừa Thiên-Huế, tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng liên tục diễn ra. Hiện sản lượng điện từ Trung tâm Điều độ miền Trung phân bổ cho tỉnh này là 2,5 triệu kWh/ngày trong khi mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 3,2 triệu kWh. Do vậy, tỉnh buộc phải cắt điện liên tục trong nhiều ngày qua (hai ngày cắt một lần, mỗi lần cắt 8 giờ), thậm chí các bệnh viện, trường học cũng không ngoại lệ. Được biết, lịch cắt điện ở tỉnh này sẽ kéo dài đến ngày 15-6.
Trong ngày 20-4, hàng loạt bệnh viện thuộc diện ưu tiên một ở Đà Nẵng đã bị cúp điện cả ngày khiến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân gặp nhiều trở ngại. Theo Điện lực Đà Nẵng, trong những ngày qua, lượng điện tiêu thụ của TP đã tăng vọt lên đến 4,2 triệu kWh/ngày. Để đảm bảo đủ điện cho hệ thống, mỗi ngày Điện lực Đà Nẵng phải tiết giảm khoảng 500.000 kWh. Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ còn bị cúp điện luân phiên trên diện rộng đến ngày 29-4.
Tại Bình Định, nhiều nơi cúp điện hai ngày/tuần, từ 7 giờ đến 23 giờ. Theo thông báo, thời gian tới nhiều nơi sẽ bị cúp điện mỗi tuần ba ngày, từ 7 giờ đến 19 giờ. Việc cúp điện nhiều đã ảnh hưởng mạnh đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tương tự, tình trạng thiếu điện cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phía nam. Ở các xã đảo Nam Du, An Sơn, Lại Sơn… thuộc tỉnh Kiên Giang, nguồn điện được cung ứng theo giờ nhất định, thông thường dưới 10 giờ đồng hồ/ngày. Còn tại TP Cần Thơ, tình trạng điện đột ngột bị cúp từ 20 đến 30 phút thường xuyên diễn ra, có khi vào nửa đêm điện vẫn bị cúp. Trong khi đó, khu vực phường 2 và phường 5 (thị xã Bạc Liêu) gần như ngày nào cũng bị cúp điện. Với nhiều người, cúp điện cũng đồng nghĩa với cúp nước do máy bơm không hoạt động được. Điện bị cúp cũng làm ngưng trệ mô hình một cửa hiện đại của thị xã Bạc Liêu. Hiện tất cả các công đoạn đăng ký, lấy số thứ tự đến thụ lý hồ sơ... đều thực hiện thủ công như trước đây.
Tiết kiệm điện là giải pháp chính
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những tháng qua, nhu cầu sử dụng điện của cả nước tăng khoảng 22%, vượt xa dự kiến ban đầu (chỉ 13%-15%). Trong đó, khu vực sử dụng điện tăng cao nhất là miền Trung (tăng khoảng 25%), tiếp đến là miền Bắc (khoảng 21%) và miền Nam (gần 20%).
Hiện nay, do hạn hán kéo dài nên lượng nước vào các hồ thủy điện chỉ đạt khoảng 60%-70% so với mọi năm, dẫn đến sản lượng điện phát của các nhà máy giảm đáng kể. Cùng với đó là sự sút giảm nguồn cung ứng điện từ Trung Quốc nên hệ thống điện sẽ mất cân đối 2%-5%.
Do vậy, EVN đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội sử dụng điện tiết kiệm. Thời gian tới, EVN cũng sẽ tiếp tục thực hiện tiết giảm điện, trong đó ưu tiên nguồn điện cung cấp cho Hà Nội, TP.HCM; cho tổ chức các sự kiện chính trị xã hội; cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng theo danh sách được UBND các tỉnh, thành phê duyệt. Ngoài ra, EVN yêu cầu các công ty điện lực cùng chính quyền địa phương tổ chức cắt giảm nguồn điện chiếu sáng công cộng, các tấm biển quảng cáo, trang trí ở các nhà hàng, khách sạn. Trong trường hợp phải cắt điện luân phiên thì phải thông báo trước cho khách hàng biết và phải thực hiện công bằng giữa các khu vực.