Một số vấn đề về triết lý giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam: Thông tin và bình
Ngày 05 tháng 04 năm 2010, Viện KHXH Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu cấp Bộ nhiệm vụ “Một số vấn đề về triết lý giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam: Thông tin và bình luận” do NCV. Ngô Thế Phúc làm chủ nhiệm, Viện Thông tin KHXH là cơ quan chủ trì thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu gồm các giáo sư, tiến sĩ đến từ Viện KHXH Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Hội đồng do GS., TS. Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam - làm Chủ tịch.
Nhiệm vụ có hai mục tiêu chính: 1- Thông tin về các quan niệm cơ bản về triết lý giáo dục và những vấn đề có liên quan đến triết lý giáo dục trên thế giới. 2- Thông tin về một số vấn đề cơ bản của triết lý giáo dục trong quá trình đổi mới, cải cách và hiện đại hóa giáo dục Việt Nam hiện nay.
Bắt đầu từ vấn đề triết lý và triết học giáo dục với các khái niệm chung, trên cơ sở điểm qua vài nét về lịch sử hình thành triết học giáo dục từ thời kỳ cổ đại cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, Chương I của báo cáo tổng hợp nhiệm vụ thông tin và phân tích một số quan điểm, triết lý giáo dục của các nhà giáo dục tiêu biểu trên thế giới. Về thực trạng nền giáo dục nước nhà, Chương II báo cáo đề cập tới những nhìn nhận, những đánh giá của các nhà nghiên cứu Việt Nam về thực trạng yếu kém, tụt hậu của nền giáo dục với tính cách là cái căn bản và trực tiếp làm nảy sinh hệ vấn đề triết lý giáo dục. Từ sự phân tích những khuyết tật, những căn bệnh, trong đó có những bệnh khá trầm kha của nền giáo dục, phần nội dung cuối của báo cáo tập trung trình bày một số quan điểm, triết lý, tư duy giáo dục của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý… có tâm huyết với vấn đề giáo dục với mong muốn góp thêm tiếng nói để vấn đề triết lý giáo dục và triết lý giáo dục ở Việt Nam tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu, đưa lại lời giải cho các vấn đề khẩn thiết đặt ra đối với nền giáo dục Việt Nam ở hiện tại và cả trong tương lai.
Đề tài được xếp loại Khá.