by Mr. Dâu Tây

Ai cũng biết vấn đề với các cuộc thi hoa hậu giờ đây là những người xứng đáng được vinh quang ít đăng ký tham gia.

Chỉ cần mất 15 phút lang thang ở bất kỳ trung tâm thành phố lớn của Việt Nam là tôi sẽ tìm được một phụ nữ trẻ xinh đẹp và thanh lịch hơn nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp hai năm gần đây. Và rất có thể người tôi tìm sẽ ngoan hơn nữa.

Không phải các “đáng-lẽ-là-thí-sinh” này thiếu tự tin hay không biết cách nộp đơn đâu. Họ biết họ đẹp rồi; nếu muốn tham gia thì họ sẽ tìm cách. Một học sinh giỏi, nếu muốn tìm học bổng thì sẽ tìm học bổng thôi). Đơn giản họ không muốn.

Nếu tôi là một người phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp và ngoan hiền (thêm vào đó thông minh và giỏi giang) chắc tôi cũng không đăng ký tham gia đâu.


Nếu là hoa…

Thứ nhất tôi sẽ phải hy sinh quá nhiều thời gian. Là người năng động (quên, tôi là người năng động nữa) tôi đang rất bận học tiếng Anh, hoặc nuôi công ty nhỏ, hoặc việt blog hàng tuần.

Thêm vào đó, tôi hiểu các cuộc thi sắc đẹp là như thế nào rồi. Tôi sẽ phải “dạ dạ vâng vâng”, rất nhiều người không xứng đáng được “dạ dạ” hoặc “vâng vâng” chút nào (hoặc thậm chí một “dạ” và một “vâng”). Ban tổ chức cần người phụ nữ như tôi hơn người phụ nữ như tôi cần các cuộc thi của họ, nhưng thái độ và cách đối xử của họ không hề phản ánh điều đó.

Họ sẽ nhìn tôi từ đầu đến chân (mà dừng lại nhiều lần ở giữa), mặt vênh lên, bảo tôi nên sửa chỗ nọ, thiếu điểm ở chỗ kia, rồi là “Chạy nhanh lên nào, em đang làm mất thời gian của tôi!”. Chắc ban giám khảo sẽ tương đối lịch sự. Tôi sợ nhất những nhân vật ở dưới người cao nhưng ở trên người thấp – cứ tưởng mình là Donald Trump mà nói đúng hơn thì phải là Donald Duck.

Mặc dù chưa tham gia cuộc thi hoa hậu nào nhưng tôi sẽ biết ngoài những cảnh “thiên đường” được phát lên tivi còn nhiều cảnh “âm phủ” không phát ở đâu. Tôi đi học thấy người trong lớp gửi phong bì cho thầy giáo. Tôi đi bệnh viện thấy “một số bệnh nhân” được ưu tiên. Tôi đi đường bị công an giao thông yêu cầu phải xuất trình “giấy tờ”…Tôi hiểu.

Tôi cũng đọc báo online và biết hầu hết các scandal liên quan đến các cuộc thi hoa hậu và tài năng thời gian gần đây, cũng như “lời giải thích” lố bịch mà các ông bà “chữa cháy” bịa ra cho xong.

Rồi là chuyện “vốn”. Chính tôi đã từng lọt vào mắt xanh của một số người lớn tuổi có ý định rủ tôi đi uống nước và … hơn thế nữa. Tham gia một cuộc thi sắc đẹp lớn rất có thể tôi sẽ phải cười duyên và nghĩ ra cái cớ nào đó khi một người trợ lý vô danh thì thầm vào tai: “Em ạ, có một chú đại gia muốn là quen”…


Ngày xửa ngày xưa

Đó là chưa kể đến chuyện tôi nghĩ các cuộc thi hoa hậu loại hay tổ chức ở đây thuộc về quá khứ rồi. Một người phụ nữ hiện đại như tôi không còn phù hợp với khái niệm “ohlala” đằng sau một cuộc thi như thế nữa. Phũ phàng.

Tôi đọc báo tiếng Anh nhiều và thấy ở các nước phương Tây người ta không còn quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu nhiều nữa. Rating truyền hình ngày càng thấp, thí sinh ngày càng xấu. Rất ít người Tây biết hoa hậu của họ đang là ai; Canada, Anh, Mỹ, Úc, ở đâu cũng thế - không biết đâu, hai chữ “hoa hậu” thuộc về từ điển ngày xưa.

Tôi nghi ngờ rằng chuyện các cuộc thi sắc đẹp lớn của thế giới thi nhau sang Việt Nam không phải do bãi biển rộng hay thời tiết đẹp mà vì người Việt Nam vẫn nhiệt tình mua “sản phẩm” của họ trong khi nhiều thị trường khác đã cạn.

Tôi biết trên thế giới có một số đất nước đang phát triển, ở đó việc chọn lọc và đào tạo các “hoa hậu tương lai” trở thành nền công nghiệp. Tôi thực sự không muốn Việt Nam đi theo con đường đó. Cả “ngôn ngữ hoa hậu” đôi khi làm cho tôi nhức đầu, nhất là từ “đại diện”. Hoa hậu là “đại điện của phụ nữ Việt Nam”. Vì sao thế? Đại diện trong mắt ai?

Tôi có nhiều bạn là người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam; họ không bao giờ coi hoa hậu Việt Nam là đại diện của phụ nữ Việt Nam. Họ là bạn của tôi. Họ coi tôi là đại diện của phụ nữ Việt Nam. Còn nếu tôi nói với họ rằng “Tôi coi hoa hậu của các bạn là đại diện của phụ nữ bên nước các bạn” thì…chết cười! “Đừng đừng!” họ sẽ nói. “Chúng tôi không phải như thế đâu!” (Còn cái “như thế” đó ai cũng hiểu.)


Thành công?

Còn nếu tôi thành một cô hoa hậu thật thì sao? Tôi sẽ bị soi mói như gái mại dâm ở sân bay Singapore, mổ xẻ như con lợn vừa ăn chiếc Rolex bị vô tình rơi xuống đất. Hồ sơ của tôi có gian lận không? Tôi có thực sự học trường đó không? Người yêu cũ thế nào? Người yêu mới thế nào? Thế nào, thế nào, thế nào đấy?

Hơn nữa, là “đại diện” của một bộ phận xã hội nào đó nên tôi đi đâu là phải trang điểm thật đẹp vào (trừ đi khi làm từ thiện), phải ứng xử thật xứng đáng. Sẽ có nhiều thứ tôi không thể làm được, nhiều nơi tôi không thể đi. Tôi mất bình tĩnh vì chuyện nào đó là người xung quanh thành quay phim hết. Mà lúc nào cũng phải cười duyên, duyên ơi là dáng.

Đó là cái mất. Còn cái được thì sao? Nếu tôi bỏ những công việc tôi đang làm, dạ dạ và vâng vâng các Donald Duck ấy, từ chối các lời mời không lịch sự, bỏ qua những cơ hội “giúp” ban giám khảo đi đến quyết định (nếu có), chấp nhận bị soi mói và chê trách, rồi đêm chung kết lại lên thớt – nhầm, lên sân khấu – và vì một phép mầu nào đó được bình chọn là HOA HẬU thì sao? Tôi sẽ được gì?

Nếu là cuộc thi lớn tôi sẽ được tham gia một cuộc thi lớn hơn ở nước ngoài. (Nếu là cuộc thi nhỏ tôi được một cái séc to đùng in trên đó là số tiền chưa chắc tôi sẽ được nhận). Tôi sẽ được lên báo (cười lên nào) và xuất hiện các chương trình truyền hình. Tôi sẽ có cơ hội giúp đỡ người khác bằng cách phổ biến hóa những khó khăn họ đang gặp phải. Tôi sẽ kiếm tiền bằng cách bán hình ảnh.

Tôi công nhận một số “cái được” trên là được thật, đặc biệt là cơ hội đi nước ngoài và cơ hội giúp đỡ người khác. Nhưng tôi có thể đi nước ngoài hoặc giúp đỡ người khác bằng rất nhiều cách. Nếu đi du học tôi sẽ được làm quen với nhiều người nước ngoài hơn, với tư cách “sinh viên gặp sinh viên”, chứ không phải “thiên thần gặp dân thường”. Sau đó tôi có thể về Việt Nam trở thành nữ doanh nhân, giúp đỡ rất nhiều gia đình nghèo, là nữ Bill Gates của Việt Nam.

Lên báo và truyền hình cũng không khó – tôi có thể trở thành ca sỹ, diễn viên, hoặc tốt nhất là tác giả trẻ viết văn hiện đại. Một nghệ sĩ thực sự có thể lên báo cả đời.


Hết một triều đại

Có khi tôi nên dừng lại ở đây, bỏ vai là người phụ nữ Việt Nam trẻ, trở lại vai là người đàn ông Tây sắp già.

Ý tôi không phải là các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam không có ích. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tư duy của không ít người trẻ và đặt ra câu hỏi: thời buổi này một người “hoa hậu” là đại diện cho ai?

Trước đây có một số người đặc biệt như Mai Phương Thúy, Ngô Phương Lan…vượt qua nhiều thử thách và nhờ hai chữ “hoa hậu” bước lên sân thượng đẹp; từ trên đó họ đóng góp nhiều cho xã hội. Với những người như thế, một cuộc thi hoa hậu đàng hoàng là một cuộc thì rất có ích. Từ hoa hậu họ sẽ biết trở thành “hơn cả hoa hậu”. Có lẽ các hoa hậu tương lai cũng sẽ làm được như thế.

Nhưng tôi chợt nghĩ triều đại Thúy-Lan đã hết.

Joe

Bài đăng tạp chí Đẹp tháng 08/2010